TÁM TIÊU CHUẨN CHỌN GẠO LỨC

Người có thể trạng âm thì ăn giống gạo dương hơn và người có thể trạng dương thì ăn giống gạo âm hơn. Người quân bình thì ăn giống gạo nào cũng được. Chúng ta dựa vào một số điểm sau để phân định gạo nào dương hơn, gạo nào âm hơn, gạo nào phù hợp với mình.

  1. Giống lúa:giống lúa có từ lâu đời thì tốt hơn giống lúa mới lai tạo sau này. Thường mỗi địa phương có một giống lúa đặc thù cho vùng đó, hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và rất tốt cho dân địa phương sử dụng theo nguyên lý “Thân Thổ Bất Nhị” của Đông y. Cùng là gạo nhưng gạo ở địa phương sản xuất sẽ tốt hơn gạo từ xa mang đến.
  2. Thời gian canh tác (tính từ lúc gieo lúa giống xuống ruộng cho tới khi gặt): giống lúa canh tác trong 6 tháng (lúa 6 tháng) thì tốt hơn giống lúa canh tác chỉ 3 hoặc 4 tháng. Thời gian canh tác càng dài thì giống lúa đó càng dương và hạt lúa hấp thu sinh khí của trời đất càng nhiều. Ở Phú Yên, trước đây mấy chục năm còn có những giống lúa 8 tháng rất quý như bát quạt, đuôi nai nhưng bây giờ không biết còn hay không.

Giống lúa 6 tháng là giống có từ lâu đời, gieo trồng khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch và thu hoạch vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán. Cái hay của giống lúa 6 tháng là đến tiết Đông chí mới trổ bông, chưa tới Đông chí là chưa trổ bông dù gieo trồng trước tháng 6 hoặc tháng 7.

  1. Số vụ mùagiống lúa trồng mỗi năm một vụ thì tốt giống lúa trồng mỗi năm 2 hoặc 3 vụ. Giống lúa 6 tháng trồng mỗi năm chỉ một vụ. Mỗi năm một vụ mùa thì đất có thời gian để tái tạo độ màu mỡ và các chất dinh dưỡng cần thiết cho hạt lúa. Trồng nhiều vụ trong một năm làm cho đất không kịp tái tạo độ màu mỡ của đất cho nên không đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho hạt lúa.
  2. Yếu tố tự nhiên khi trồng:Lúa được trồng hoàn toàn tự nhiên hoặc chỉ bón phân hữu cơ thì tốt hơn lúa bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu hóa học hoặc các hóa chất. Vì các chất hóa học và phân hóa học làm biến đổi tính chất của hạt lúa và làn hạt lúa âm hơn.

Chất hóa học làm cây lúa âm hơn và mềm nên cây lúa này thu hút sâu rầy và vi khuẩn đến vì môi trường âm là môi trường sinh sống của sâu rầy và vi khuẩn. Cho nên đã bón phân hóa học là phải phun thuốc trừ sâu đi kèm, đây là điều tất yếu.

Được trồng tự nhiên hoặc chỉ bón phân hữu cơ thì cây lúa dương hơn, cứng cáp hơn nên sâu rầy và vi khuẩn thường tránh xa những cây lúa này nên được cho là cây lúa kháng sâu rầy mạnh.

  1. Màu sắc:Hiện tại gạo lức có ba màu: trắng ngà, đỏ và đen. Màu của gạo lức chính là màu lớp cám của giống gạo đó. Theo phân loại âm dương đối với màu sắc thì màu đỏ dương hơn màu trắng và màu trắng dương hơn màu đen. Tuy nhiên, tính âm dương của hạt gạo lức không những phụ thuộc vào màu sắc mà còn nhiều yếu tố khác như thời gian canh tác, giống lúa, yếu tố tự nhiên… Ví dụ gạo lức đen 6 tháng sẽ dương hơn gạo lức đỏ 4 tháng. Gạo lức trồng theo hữu cơ dương hơn gạo lức trồng theo hóa học.
  2. Tính thân thổ:Ăn gạo lức trồng ở trong vùng, trong nước thì tốt hơn ăn gạo lức từ nơi khác, từ nước ngoài. Trong Đông y có câu “thân thổ bất nhị”. Con người, khí hậu, môi trường và vùng đất mà mình đang sinh sống có quan hệ chặt chẽ và tương tác với nhau không ngừng. Sống ở đâu ăn thức ăn ở đó thì tốt hơn.
  3. Độ xốp:Gạo lức xốp, cứng dương hơn gạo lức dẻo, mềm. Thường giống lúa 6 tháng cho hạt gạo cứng, xốp và dương hơn hạt gạo từ lúa 3 hoặc 4 tháng. Hạt gạo của giống lúa 3 tháng thường dẻo, mền và âm hơn hạt gạo từ lúa trồng 6 tháng.
  4. Hình dáng:gạo lức hạt tròn dương hơn gạo lức hạt dài.

Gạo lức là hạt gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu. Sau khi xay bỏ luôn lớp cám nữa, trở thành gạo xát trắng thông dụng hiện nay.

Bốn yếu tố đầu (giống lúa, thời gian canh tác, vụ mùa và yếu tố tự nhiên) rất quan trọng, quyết định chất lượng của hạt lúa, hạt gạo. Trong các loại thực phẩm, hạt gạo mới là thức ăn chính của người Việt và là thực phẩm tốt nhất để kiến tạo sức khỏe và phát triển trí tuệ. Thực phẩm tạo ra con người. Thực phẩm tốt sẽ tạo ra con người tốt, người tài.

Đây là điều ông bà ta đã khắng định từ ngày xưa thời Vua Hùng qua việc chọn truyền ngôi cho người con thứ 18 dâng “Bánh Chưng Bánh Dày” để cúng tổ tiên. Nước ta lại là một trong những quốc gia sản xuất gạo nhiều nhất thế giới. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam xây dựng thế hệ tương lai hoàn toàn khỏe mạnh và tràn đầy trí tuệ.

Dù là một công dân bé nhỏ, tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm có những công trình nghiên cứu sâu rộng về gạo lức, cách thức trồng lúa tự nhiên hoặc hữu cơ và phục hồi những giống lúa có từ lâu đời. Chúng ta cũng có thể tổng hợp những công trình nghiên cứu về gạo lức sẵn có của nước ngoài. Trong khi chờ những chủ trương của nhà nước tôi mong muốn người nông dân nên canh tác lúa theo tự nhiên và truyền thống bón phân chuồng và phân hữu cơ, đồng thời chọn những giống lúa 6 tháng. Không những cây lúa mà tất cả cây trồng để làm lương thực và làm thuốc đều trồng theo tự nhiên và hữu cơ để có những nông phẩm và dược phẩm chất lượng cao cho bà con sử dụng.