Trần Hữu Nam 3Quen biết anh đã mấy năm rồi nhưng chưa bao giờ tôi hỏi kỹ về bệnh tình của anh trước khi theo thực dưỡng. Nhân chuyến trở lại thăm bà con gạo lức ở Dầu Tiếng, Bình Dương, tôi gặp lại anh và chúng tôi có cuộc chuyện trò sâu hơn về quá trình anh áp dụng thực dưỡng trong cuộc sống. Anh là Trần Hữu Nam, sinh năm 1955, sống ở Long Nguyên, Bàu Bàng, Bình Dương.

Khoảng năm 2000, anh mang trong người nhiều bệnh như sỏi mật, sạn thận, viêm ruột, viêm bao tử. Những căn bệnh này đã hành hạ anh mất ăn mất ngủ, đau đớn triền miên và mất đi niềm vui trong cuộc sống. Anh đã đi khám nhiều lần ở bệnh viện và uống thuốc nhưng không hết.

Đến năm 2008, anh đi chùa Long Hương, gặp thầy trụ trì và được tặng một số đĩa CD về thực dưỡng do thầy trụ trì thuyết giảng và phát biểu của bệnh nhân được thầy chữa lành bằng cách ăn gạo lức. Xem qua những đĩa phát biểu của bệnh nhân, anh thấy nhiều người mắc bệnh nan y, bệnh mạn tính, đủ các loại bệnh vậy mà ăn gạo lức lại hết bệnh. Anh thấy hay quá. Liên hệ với bản thân, anh tin rằng các chứng bệnh của anh sẽ hết và bắt đầu ăn gạo lức từ ngày 16/4/2008. Sau khi ăn được 3 tháng, anh bị ngứa đầy người, gãi không đã. Người nhà thấy vậy sợ nên giục anh đi khám bệnh nhưng anh nhất định không đi. Đến ngày thứ 3, lại xảy ra khó chịu, xây xẩm. Anh biết triệu chứng này là dấu hiệu cơ thể đang thải độc. Anh yên tâm rằng phản ứng thải độc xảy ra một thời gian ngắn và sau đó sẽ chấm dứt.

Bước qua năm 2009, anh bị ngộ độc mì gói. Một hôm chiều đi làm về, đang đói nữa, anh ăn một gói mì (từ lúc ăn gạo lức anh không ăn nó nữa) và 5 múi mít tố nữ. Đến tối anh đau bụng, đau dữ dội cả đêm không ngủ được, đau từ trước bụng ra sau lưng. Không những đau mà còn kèm theo mắc đi tiểu và mắc đi cầu nhưng không đi được. Do vậy càng làm đau nhiều hơn. Anh nói: “Đau đến nỗi muốn đập đầu vô tường tự tử”. Anh cũng áp dụng một số trợ phương của thực dưỡng nhưng không giảm đau. Thấy anh đau vật vã vợ con khuyên nên đi bác sĩ nhưng anh kiên quyết không đi. Anh nói có chết cũng không đi bác sĩ. Anh gọi điện cho anh Nguyễn Thanh Phong, người bạn thực dưỡng có kinh nghiệm ở Dầu Tiếng. Anh Phong hỏi kỹ anh đã ăn những gì trước đó và anh cũng thuật lại những gì anh ăn chiều hôm trước. Anh Phong khuyên anh nên tuyệt thực. Anh nói được và thực hiện nhịn ăn. Ngày thứ nhất, thứ hai đi qua bình thường. Đến ngày thứ ba, xảy ra triệu chứng xây xẩm mặt mày, bủn rủn tay chân, không đi nổi, chỉ nằm một chỗ. Trước đó, anh Phong dặn trong thời gian tuyệt thực chỉ uống nước cho thấm giọng, không được uống nhiều. Đến ngày thứ 4, anh khỏe lại và đi làm bình thường. Bụng giảm đau dần, qua ngày thứ 5 thì hết đau hoàn toàn. Đến ngày thứ 6, anh cảm thấy đói và thèm ăn. Anh ăn lại từ từ. Ban đầu ăn lại, anh ăn một ít nước cháo, đến cháo loãng, rồi cháo đặc. Dù là cháo, anh cũng nhai kỹ trên 100 lần cho mỗi miếng ăn. Mấy ngày sau mới ăn cơm. Tuần lễ đầu sau nhịn ăn, anh ăn theo số 7 (100% gạo lức), chỉ ăn gạo lức nấu cháo rồi nấu cơm. Anh nói đây là bài học nhớ đời và là hệ quả của việc bao tử chưa lành hẳn mà ăn uống bừa bãi, không cẩn trọng. Từ đó trở đi anh rất cẩn thận với bất cứ thứ gì đưa vào miệng.

Thời gian đầu ăn gạo lức có những lúc hoang mang vì không có nhiều người chia sẻ. Đến năm thứ 3, nướu bị trầy, nhai rất đau và khó khăn. Anh định bỏ cuộc nhưng nhờ bạn thực dưỡng khuyên nên ăn tiếp. Người bạn bảo nướu bị sưng, bị trầy cũng là một dạng phản ứng thải độc của cơ thể.

Trần Hữu Nam 4

Anh nói từ lúc ăn thực dưỡng có lợi nhiều lắm. Cái lợi nhiều nhất là không bệnh tật nữa dù là bệnh cảm, không hề tìm đến bác sỹ, không còn uống thuốc Tây nữa và người khỏe mạnh. Anh làm việc rất khỏe. Anh là công nhân trút mủ cao su. Gặp những lúc trời mưa, là người khác thì lánh mưa, còn anh thấy rất sảng khoái với những hạt mưa mát rợi tưới vào người. Tinh thần anh lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Anh thấy cuộc đời thật hạnh phúc khi tự chủ về sức khỏe và không làm phiền đến người thân vì bệnh tật. Ngày xưa chậm hiểu, bây giờ đầu óc sáng hơn, hiểu nhanh hơn, nhận ra nhiều điều trong cuộc sống rất thú vị.

Bắt đầu ăn gạo lức là bắt đầu anh ăn chay cho đến nay. Gạo lức chiếm khoảng từ 70%-100% và rau củ chiếm tối đa 30%. Thỉnh thoảng anh mới ăn trái cây và ăn rất ít. Hàng ngày anh đi ngủ lúc 8 giờ tối và thức dậy lúc 2 giờ sáng. Từ đó tới sáng, anh giúp gia đình nấu cơm nấu nước và làm những việc trong nhà.

Anh thường xuyên tham gia các buổi giao lưu thực dưỡng ở địa phương và ở Sài Gòn để học hỏi thêm kiến thức và trao đổi kinh nghiệm. Anh nghe các đĩa CD giảng về thực dưỡng, nhờ thế củng cố kiến thức và niềm tin của anh. Anh không đi ăn đám tiệc, không đi ăn hàng quán bên ngoài. Anh chỉ ăn ở nhà hoặc đến ăn ở nhà những anh em thực dưỡng.

Các nay mấy năm, một lần đi lấy củi trong rừng cao su, anh bị một nhánh cây đập vào sau gáy. Sau cú đập bất ngờ, thấy đầu óc xây xẩm, choáng váng, tối sầm lại, anh nghĩ chắc sắp chết, từ từ buông rựa khỏi tay, hai tay buông xuôi và bất tỉnh. Lúc đó, chỉ một mình anh trong rừng cao su. Khi tỉnh dậy, anh sờ thấy ướt tưởng là máu nhưng khi nhìn thì không phải máu mà là mồ hôi. Trong miệng lại có máu. Bị đập ở sau gáy nhưng hai con mắt bầm đen. Tuy vây, anh vẫn chở củi về được đến nhà. Mấy người con của anh thấy vậy nóng ruột đòi đưa anh đi bệnh viện nhưng anh không chịu. Mấy người con phản đối quyết liệt và nói “nếu ba không đi tui con bỏ và không nhìn ba luôn”. Anh nói “nếu chết thì ba đã chết trong rừng rồi. Về đến nhà được là không sao đâu”. Tuy nhiên, anh chìu theo ý của mấy người con và đi bệnh viện. Sau khi chụp CT, bác sỹ kết luận không bị chấn thương bên trong, chỉ chấn thương phần mềm bên ngoài. Anh không mua thuốc theo toa bác sỹ mà về nhà trị theo các trợ phương của thực dưỡng. Anh suy nghĩ chắc ngày trước anh ăn vi phạm trật tự vũ trụ nên mới bị tại nạn này. Nếu ăn đúng thì không xảy ra. Nhờ ăn gạo lứt mà tai nạn hóa ra nhẹ hơn; nếu không mất mạng rồi. Thực dưỡng không những giúp hồi phục và tăng cường sức khỏe mà còn giúp thoát được những tai nạn, khổ ải.

Đông y sỹ Thiện Bửu