“Gạo lức rất hay, ăn rất ngon. Ăn gạo lứt sẽ giúp thông minh, làm cho con người trở về thiên nhiên, sống có đạo lý, mang đầy đủ đức hạnh “Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín” của nhà nho. Cô thấy rằng thực dưỡng cho sức khỏe khang kiện, trí óc minh mẫn và làm cho cuộc sống thịnh vượng lên, không gặp tại nạn, ít thăng trầm, có nhiều may mắn trong cuộc đời.” chia sẻ của Cô Nguyễn Thị Cúc.
Cô Nguyễn Thị Cúc ăn gạo lứt theo thực dưỡng từ năm 1963 và từ đó đến giờ luôn vui vẻ, khỏe mạnh, không hề bị bất kỳ bệnh gì. Trải qua gần 55 năm rồi, cô chẳng uống thuốc nào cả, kể cả khi sanh, bác sỹ cho thuốc nhưng cô không uống. Cả xã hội mà mọi người đều không bệnh như cô thì lợi lạc biết chừng nào. Để được vui khỏe, đơn giản chỉ ăn thực dưỡng. Cô sinh năm 1944 và hiện đang ở Quận 7, Tp Hồ Chí Minh.
Khi còn là nữ sinh của Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh ở Huế, một trong những trường lớn và cổ kính của nước ta, cô may mắn gặp được phương pháp thực dưỡng. Cô thích đọc sách và một hôm ghé hiệu sách, thấy quảng cáo phương pháp tiết thực và chữa bệnh không dùng thuốc nên cô mua sách về nghiên cứu và thực hành theo. Lúc đó, cô không có bệnh gì cả mà chỉ đơn giản là thích các phương pháp tự nhiên. Hơn nữa, ăn gạo lứt tiết kiệm được nhiều tiền. Càng ăn gạo lứt, cô thấy càng khỏe do đó càng thích. Lúc đó, cô ăn 90-100% gạo lứt với tối đa 10% rau củ (cách ăn số 7 và số 6) cho đến năm 1967. Khi cô có chồng năm 1968, cô ăn rộng hơn theo chồng nhưng vẫn giữ nền tảng thực dưỡng.
Chế độ ăn hiện tại của cô nằm trong khoảng số 6 và số 7, đa phần là cơm lứt, nhai nhuyễn từ 50-100 lần cho mỗi miếng ăn. Buổi chiều tối cô chỉ ăn một chén cơm lứt với muối mè. Cô không hề thèm những thức ăn khác. Cô đi đâu xa cũng mang theo các thức ăn của thực dưỡng như cơm lứt nắm, cốm lứt, bún gạo lức và chọn những món ăn có tại địa phương mà hợp với thực dưỡng.
Thấy cô ăn gạo lứt, nhiều người cho rằng như thế là ăn khổ cực. Cô bảo cô không thấy cực mà thấy vui nữa là khác. Người có ốm nhưng ai đổi mập cô không đổi vì mập mà bệnh thì không tốt. Huyết áp của cô thường ổn định ở số đo 120/80 mặc dù năm nay cô đã 73 tuổi. Đây là chỉ số huyết áp của thanh niên.
Hiện tại, cô cảm thấy lúc nào cũng vui. Từ khi ăn gạo lức, cô không biết buồn phiền là gì cả. May mắn gặp được phương pháp thực dưỡng, thật tuyệt vời. Tu nhiều kiếp mới gặp được thực dưỡng. Người ta có gặp, nhưng không giữ được, ăn vài bữa cũng bỏ hoặc ăn không nghiêm túc, thậm chí bị bệnh rồi cũng không chịu ăn. Ăn gạo lứt giúp cô hiểu đạo Phật và thực hành đạo dễ hơn. Ăn gạo lứt là thuận với tự nhiên, làm thân tâm nhẹ nhàng, trong sáng, thanh tịnh. Cô nói lý thuyết của tiên sinh Ohsawa rất hay, hợp với đạo lý làm người.
Khi ăn thực dưỡng thường có những phản ứng thải độc xảy ra như nổi mẩn ngứa trên da, tiêu chảy, sốt… tỳ theo từng bệnh. Phản ứng thải độc là tất yếu và cần thiết. Theo cô, khi ăn số 7 nên ăn thêm với muối mè. Mè có đủ protein, lipid và glucid sẽ làm cơ thể điều hòa hơn.
Trước đây, cô là giáo viên cấp 2 và máu mê đọc sách luôn tuôn chảy trong cô. Cô cũng là người yêu thơ. Cô sáng tác nhiều bài thơ và sau đây là bốn bài thơ trong số đó, thể hiện tâm hồn của cô: lúc nào cũng thơ ngây như tự nhiên, vui như mùa xuân và an lạc như mặt đất.
–00–
PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH
Phương pháp dưỡng sinh thật diệu kỳ
Giản đơn hiệu nghiệm khó so bì
Trật tự bao trùm khắp vũ trụ
Chữa lành tất cả bệnh nan y
Âm Dương điều hòa chân thiện mỹ
Nguyên Lý Vô Song thật đáng ghi
Tự do hạnh phúc công bình thật
An vui tự tại Thuyết Vô Vi.
–00–
TỊNH ĐỘ LÀ ĐÂY
Giữ bước chân chánh niệm
Đi trong cõi ta bà
Từng bước gió mát thổi
Từng bước sen nở hoa.
Chân bước miệng mỉm cười
Cỏ lá hoa mừng vui
Đất hôn chân nhè nhẹ
Âu yếm không muốn rời.
Có gì đâu mà vội
Cứ thông thả thảnh thơi
Vững chãi và an lạc
Cõi tịnh độ đây rồi.
–00–
XUÂN
Trăm hoa đua nở đón xuân sang
Pháo xuân đã nở rộn trong lòng
Hương xuân phảng phất mùi hoang dã
Rượu xuân nồng ấm nét thư nhàn
Thơ xuân sực nức mùi kim cổ
Ý xuân đầm thắm khắp nhân gian
Tình xuân một thoáng hồn lai láng
Vui xuân chẳng kể mấy thiều quang.
–00–
TỰ THUẬT
Lần nữa sen tàn cúc nở hoa
Đông qua xuân lại đã ra già
Con còn thơ dại đòi nghiêng bút
Chồng mãi văn chương nét mực nhòa
Kiếp trước vụng tu nay phải chịu
Gian nan để hưởng kiếp sau mà
Mặc ai là lụa ai nhung gấm
Áo vải đơn sơ giữ nếp nhà.
–0–
Đông y sỹ Đặng Ngọc Viễn