NGUYÊN NHÂN TÀN HẠI SỨC KHỎE
Bệnh tật là cái khó tránh trong suốt cuộc đời. Biết được nguyên nhân thì chúng ta mới có thể phòng bệnh và xây dựng sức khỏe được. Nói đến nguyên nhân của bệnh tật thì có nhiều tùy theo nền y học: y học đối chứng trị liệu, y học phòng ngừa, y học sức khỏe, y học trường sinh, y học luân lý giáo dục, y học triết lý hoặc y học tối cao (tâm linh).
Từ xa xưa, tổ tiên ta đã chú trọng đến những nguyên nhân gây hủy hoại sức khỏe, chứ không phải đợi đến ngày nay. Trong quyển “Hoàng Đế Nội Kinh” ghi lại cuộc đối đáp giữa vua Huỳnh Đế và thiên sư Kỳ Bá cách nay khoảng 5.000 năm, có một câu vấn đáp mà chúng ta phải học suốt đời. Vua Huỳnh Đế hỏi: “Trẫm nghe nói người thượng cổ thường sống hơn trăm tuổi mà sinh hoạt vẫn còn mạnh mẽ như thường. Người thời nay tuổi mới 50 mà sức khỏe đã suy giảm, đó là do ở thời thế hay ở người?” Kỳ Bá trả lời: “Người thượng cổ đều biết đạo, sống thuận với âm dương, sống hòa với thuật số, ăn uống điều độ, sinh hoạt có chừng mực, không phí sức vô cớ. Nên thân tâm đồng nhất điều hòa, do đó hưởng hết tuổi trời, thọ hơn trăm tuổi. Người đời nay không phải thế. Họ lấy rượu làm nước, lấy càn bậy làm thường, đương lúc no say lại nhập phòng, dâm dục làm kiệt tinh, hao tổn làm mất khí chân nguyên, không biết gìn giữ sức khỏe lúc còn đầy đủ, không biết điều dưỡng tinh thần, chỉ cốt cho khoái lạc, trái với lẽ yên vui, ăn ở vô độ, cho nên mới 50 tuổi đã suy yếu”.
Quả thật người xưa nhìn xa trông rộng, hàng ngàn năm về trước, đã chỉ ra những sai phạm của con người dẫn đến tàn hại sức khỏe. Thời đó đã sai phạm như vậy, bây giờ càng sai phạm nhiều hơn do dựa vào công cụ của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Chúng ta phải cảnh giác và học cách để tránh bệnh tật. Phải nhận diện được một số nguyên nhân bệnh tật mà người hiện đại thường mắc phải. Đó là ăn uống, môi trường, hoạt động, ngủ nghỉ, quần áo, xúc phạm thần linh…
Ăn uống: Hiện nay, ăn uống là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật. Giải quyết được ăn uống là giải quyết được bệnh tật.
Về thức ăn. Hiện chúng ta ăn rất ít thức ăn của loài người nhưng lại ăn nhiều thức ăn của loài khác. Ăn xâm phạm thức ăn của loài khác sẽ làm rối loạn hệ tiêu hóa, rồi rối loạn các tuyến nội tiết, rối loạn hệ chuyển hóa, mà sinh bệnh, thâm chí dẫn đến mất mạng. Để ăn đúng thức ăn, chúng ta lấy gạo lức hoặc ngũ cốc làm thức ăn chính đúng theo qui luật của tự nhiên. Đó là mỗi loài đều có thức ăn riêng. Chẳng hạn, con bò chỉ ăn cỏ, con cọp chỉ ăn thịt. Con bò chỉ ăn cỏ nhưng thịt nó nhiều, xương nó to và tim gan phèo phổi đều có đủ. Nếu bắt con bò ăn thịt thì chúng sẽ chết sớm. Nếu bắt con cọp ăn cỏ thì chúng sẽ không sống nổi. Con người cũng vậy, không ăn gạo lức, ngũ cốc thì con người cũng bị mất mạng dần dần thông qua bệnh tật. Con người hiện đại đang bị tình trạng đau khổ này nhưng mấy ai nhận ra để tránh. Bệnh tật tràn làn là do ăn không đúng thức ăn của loài người. Theo tiên sinh Ohsawa, một người Việt bình thường ăn 60% gạo lức, 30% rau củ và 10% trái cây; nhưng nếu bị bệnh thì phải ăn 100% gạo lức muối mè.
Về cách ăn, chúng ta ăn vội ăn vàng, ăn ngấu ăn nghiến, ăn không kịp nhai, khiến gan, bao tử và ruột làm việc nhiều, lâu ngày gây suy yếu, không cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể mà sinh bệnh. Ăn đúng là nhai kỹ, khi nhai không được hở môi, không được nuốt nhiều lần. Mỗi miếng ăn phải nhai ít nhất 50 lần (ngài Ohsawa thường nhai 200 lần). Ngài Gandhi nói: “Ăn thức uống và uống thức ăn.”
Cơm là thể rắn, nhai nhiều chuyển sang thể lỏng, tiếp tục nhai sẽ chuyển thành thể khí. Năng lượng khí là năng lượng “tinh”, tốt hơn rất nhiều năng lượng rắn là năng lượng “thô”. Năng lượng khí được hấp thu trực tiếp vào cơ thể mà không cần thông qua bao tử và ruột. Cho nên nhai càng nhiều, cơ thể càng khỏe mạnh, càng thông minh và bệnh tật càng chóng lành. Năng lượng khí giúp cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt giúp phát triển trí não. Nếu bị bệnh, nó giúp chữa lành hiệu quả.
Trong tất cả các loại thực phẩm, chỉ có cơm lức và ngũ cốc càng nhai càng ngọt. Thử nhai một miếng cơm lức 500 lần, ta sẽ cảm nhận được vị ngọt tuyệt vời của nó, đây mới là thượng vị. Khi đã cảm nhận được thượng vị này, ý thức của chúng ta ghi dấu sâu sắc vị này, khó mà quên được. Từ đó ý thức sẽ nhắc chúng ta nhai kỹ một cách tự động mỗi khi ăn. Nghe nhiều về thượng vị nhưng chưa một lần nếm phải, trong khi đó lại sử dụng gia vị và hóa chất nên sự kích thích của gia vị và hóa chất hối thúc ta nuốt vội.
Khi nhai nên nuốt một lần, không nên nuốt nhiều lần cho một miếng ăn, có nghĩa là giữ “cả nước lẫn cái” lại nhai đến 50 hoặc 500 lần mới nuốt.
Về Gia vị. Do ăn thiếu nhai và ăn nhiều thứ nên cần có gia vị để tạo cảm giác ngon miệng, dẫn đến sử dụng bột ngọt, hạt nêm, bột nấm, đường, hóa chất để tạo vị giác giả tạo. Lâu ngày tạo thành thói quen sử dụng gia vị hóa chất. Khi không sử dụng gia vị, ta cho là thức ăn không ngon. Khi đã thành thói quen thì khó mà từ bỏ được dù ai cũng biết các loại gia vị này đều không tốt cho sức khỏe.
Gia vị hóa học gồm bột ngọt, bột nêm, bột nấm, đường. Gia vị tự nhiên gồm ớt, tiêu, gừng…
Khi vị giác nguyên thủy phục hồi sau một thời gian từ bỏ gia vị hóa chất, chúng ta sẽ cảm nhận rõ ràng vị ngon khác nhau của các món ăn; vị ngon của cọng rau lang sẽ khác biệt vị ngon của cọng rau muống. Ăn ngon là một niềm vui, “ăn được ngủ được là tiên”.
Về thời gian ăn. Chúng ta không dành đủ thời gian để ăn mà thường ăn vội vàng. Thời gian ăn cũng là thời gian để cơ thể nghỉ ngơi và nạp năng lượng cho cơ thể. Phải ăn chậm rãi để cảm nhận vị của món ăn, như vậy mới giúp cơ thể nhận biết thức ăn này như thế nào để hệ tiêu hóa tiết ra các hóc môn thích hợp để xử lý thức ăn.
Về thời điểm ăn. Chúng ta ăn không đúng thời điểm và ăn nhiều hơn ba bữa trong ngày. Nhiều nhất nên ăn ba bữa trong ngày và ăn điều độ. Lấy bữa trưa làm bữa ăn chính và bữa sáng, bữa chiều là bữa phụ. Giờ trưa là giờ của tỳ (9:00-11:00), nghĩa là tỳ hoạt động mạnh nhất vào giờ này. Những món ăn thường được dễ dàng tiêu hóa trong thời gian này. Ngày xưa Đức Phật đặt ra phép ăn Ngọ là vì vậy. Ngược lại, người hiện đại lấy bữa sáng hoặc bữa tối làm bữa chính, còn bữa trưa thành bữa phụ, không hợp với sinh lý của cơ thể.
Về số lượng. Ăn nhiều hơn mức cần thiết, gây béo phì và các bệnh khác. Thích là ăn, vui cũng ăn, buồn cũng ăn, trở thành thói quen ăn. Điều này làm cho các tạng phủ trong cơ thể không được nghỉ ngơi, lâu ngày làm suy yếu các cơ quan này mà sinh bệnh. Thông thường ăn 50-80% bao tử là tốt, nên chừa một khoảng trống trong bao tử để chứa khí, là năng lượng tinh. Trong bữa ăn nên ăn món dương trước và món âm sau.
Uống. Nước, rượu bia, nước ngọt, nước ép
Môi trường.
Thực trạng ô nhiễm nặng xảy ra ở các thành phố lớn và những nơi phát triển công nghiệp. Yếu tố ô nhiễm gây hại cho sức khỏe rất nhiều ở những nơi này như khí thải, hóa chất bảo vệ thực vật, chất độc hóa học, chất thải rắn, tác nhân phóng xạ, tiếng ồn, sóng điện từ… Theo công bố mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia ô nhiễm nặng nhất thế giới. Trở về sống gần gũi với thiên nhiên, giảm thiểu tối đa sử dụng các chất hóa học để giữ cho môi trường trong sạch. Theo thực dưỡng là theo lối sống tự nhiên, không sử dụng hóa chất nên góp phần bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm.
Làm việc.
Làm việc nhiều dẫn đến lao lực hoặc căng thẳng, dẫn đến bệnh tật cho cơ thể. Công việc lúc nào cũng lớn hơn thời gian, vì vậy chúng ta phải biết cân đối giữa thời gian dành cho công việc, cho nghỉ ngơi và cho ăn uống. Nhiều người tham công tiếc việc, lúc nào cũng tất bật với công việc, lúc nào cũng suy nghĩ đến công việc, khiến cơ thể mất nhiều năng lượng nhưng không nghỉ ngơi đủ để cơ thể phục hồi. Đang cầm chén cơm ăn mà đầu suy nghĩ đến công việc, đôi lúc ăn hết cơm lúc nào cũng không hay, có nhai hay nuốt trộng cũng không biết; như thế là ăn công việc chứ không phải ăn cơm. Tâm vướng bận như vậy là tâm lao khổ. Phải biết giờ nào việc đó, thời gian ăn chỉ dành cho ăn, khi làm chỉ biết làm.
Hoạt động thể lực quá mức là không tốt cho sức khỏe. Lỗi này thường xảy ra trong thể dục thể thao. Thể dục thể thao đỉnh cao hoặc để thi đấu đều gây tổn thương cơ thể do tập luyện nhiều và nặng. Tập thể dục để giảm cân là việc không nên làm, thay vào đó điều chỉnh ăn uống để giảm cân thì tốt hơn. Thể dục đúng là thực hiện các động tác nhẹ nhàng, khoan thai, thoải mái nhằm khai thông kinh mạch, khai thông huyệt đạo, giúp khí huyết lưu thông tốt trong cơ thể, giúp hấp thu năng lượng của tự nhiên. Sau khi tập là thấy người tràn đầy năng lượng và tinh thần sảng khoái.
Ngủ nghỉ.
Ngủ nghỉ thất thường làm cơ thể không phục hồi được sức khỏe. Khi khoa học công nghệ phát triển, con người có nhiều công cụ trong tay. Khi có nhiều công cụ trong tay, con người có điều kiện làm được nhiều thứ. Nhưng thời gian lại có hạn nên phải thức nhiều ngủ ít hoặc đêm làm ngày ngủ hoặc quá ham vui mà thức khuya dậy trễ. Những điều này làm xáo trộn nhịp sinh học của cơ thể, lâu ngày sinh bệnh tật. Rồi bị áp lực của công việc, rồi cạnh tranh với nhau. Những thứ này gây xáo trộn tâm lý mà sinh bệnh.
Trong ngày, khoảng thời gian nên ngủ là từ 21:00 – 05:00. Thời gian phải ngủ sâu từ 23:00 – 03:00, giúp cơ thể giải độc vì đây là giờ vượng của mật và gan. Người bình thường có thể ngủ từ 6-8 tiếng là đủ.
Quần áo.
Đây là nguyên nhân đáng kể gây hại đến sức khỏe. Những yếu tố nguy cơ là sợi vải hóa học và thuốc nhuộm màu hóa học. Hiện nay, có hàng ngàn chất màu được sử dụng để nhuộm quần áo. Trong đó, có rất nhiều chất không những không bám chắc vào sợi vải mà có thể thôi nhiễm ra trên da trong lúc mặc và ngấm vào cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây dị ứng, kích ứng da… Nên sử dụng vải dệt từ sợi thiên nhiên như tơ tằm, bông vải…
Nhiều người chưa bị bệnh nhưng sức khỏe không tốt. Nhìn vào những việc tốt đã làm của một người để hiểu về sức khỏe của người đó tốt như thế nào. Người có sức khỏe tốt thường làm những việc tốt. Người làm việc tốt thường có sức khỏe tốt. Nhìn vào đạo đức xã hội của một dân tộc sẽ hiểu được sức khỏe của dân tộc đó và nhìn vào tình trạng bệnh tật của một dân tộc sẽ hiểu được đạo đức xã hội của dân tộc đó.
Sức khỏe còn biểu hiện ở năng suất làm việc và sự sáng tạo của một con người. Sức khỏe càng tốt thì năng suất làm việc càng tốt, càng sáng tạo. Cách nay vài năm, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đưa thông tin năng suất lao động của người Việt bằng 1/15 năng suất người Singapore, tức 1 người Singapore làm việc bằng 15 người Việt. Như vậy có phải sức khỏe của người Việt đang sa sút nghiêm trọng?
Thức ăn tốt sẽ cho máu huyết tốt, kéo theo cơ thể tốt, suy nghĩ tốt, hành động tốt. Hành động tốt sẽ cho cuộc sống tốt, rồi xã hội tốt.
Đông y sỹ Đặng Ngọc Viễn