Câu Chuyện Sữa hạt – Grain Milk (Kokkoh) Của Ts. Ohsawa
Mọi người vẫn hay truyền nhau về công dụng tuyệt vời của bột thảo mộc kokkoh, nào là dành cho người từ giảm cân đến tăng cân, dùng cho người bệnh, dùng cho cả người già và trẻ em, đặc biệt dùng cho cả trẻ sơ sinh để thay thế sữa mẹ. Và có thật như vậy không? Sữa kokkoh là gì? Thành phần của nó như thế nào mà dùng được cho cả việc thay thế sữa mẹ trong trường hợp mẹ mất sữa. Để giải đáp những câu hỏi trên chúng tôi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và tổng hợp các tài liệu, thông tin về Sữa hạt – Grain Milk (Kokkoh) Của Ts. Ohsawa.
Ban đầu khi bước chân vào thực dưỡng, tôi đều nghe mọi người có kinh nghiệm nói nhiều về công dụng của bột thảo mộc kokkoh . Tôi cũng chưa biết như thế nào nên cũng mua về sử dụng, rồi cũng làm ra nó như mọi người vẫn làm. Rồi tôi cũng đã âm thầm chống đối nó khi có ai đó bảo rằng có thể cho em bé uống thay sữa mẹ. Nhưng lúc đó tôi cũng không biết phải như thế nào nên chỉ đưa ra được lý lẽ yếu ớt nhất là “em thấy không ổn, vì trong đó có quá nhiều đậu, mà hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh, làm sao uống được” Nhưng tài liệu của tiên sinh nói vậy. Tôi không cảm thấy “tâm phục khẩu phục” nên âm thầm ghép thêm chữ Việt Nam vào đó và tôi gọi là kokkoh Việt Nam.
Vì sao lại có chữ Việt Nam theo sau mà không phải là kokkoh?
Có lẽ tôi là một con nhỏ “cứng đầu”, ai cũng bảo tôi thế? Khó đặt tôi ngồi ở đâu đó nếu tôi không chấp nhận. Và cũng thật may mắn khi ông xã tôi ( anh Đặng Ngọc Viễn) viết bài nghiên cứu về thực dưỡng đã phát hiện ra Kokkoh.
Kokkoh và Kokkoh Việt Nam khác nhau hoàn toàn về công thức và liều lượng trong từng thành phần.
- Kokkoh, theo công thức và tên gọi do tiên sinh Ohsawa đưa ra trong quyển Zen Macrobiotics chỉ có : gạo, nếp, yến mạch, mè, đậu nành (nhưng không đề cập đến liều lượng)
- Kokkoh Việt Nam, theo hướng dẫn trong quyển “Nghệ thuật nấu ăn vui khỏe” của Bà Diệu Hạnh: gạo lứt, nếp lứt, kê, ý dĩ, sen, mè, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng, đậu nành.
Và hầu như hiện nay công thức Kokkoh Việt Nam này được áp dụng rất phổ biến. Tôi không phủ nhận các chất dinh dưỡng có trong thành phần của Kokkoh Việt Nam, nó thực sự rất tốt cho mọi người nhưng để cho trẻ sơ sinh uống thay sữa mẹ trong trường hợp mẹ mất sữa là một vấn đề khác. Có nên suy nghĩ lại chăng?
Chặng đường tìm kiếm công thức của sữa hạt Kokkoh dành cho trẻ em lại tiếp tục
Kokkoh là một loại sữa hạt dưỡng sinh mà tiên sinh Ohsawa ưu ái dành cho trẻ em. Các loại hạt có thể xay nhuyễn nấu như sữa cho em bé uống hay có thể xay bột cho bé ăn dặm.
Theo tiên sinh Ohsawa viết trong quyển Zen Macrobiotics “ Kokkoh là 1 hỗn hợp bao gồm gạo lứt, nếp lứt, yến mạch, mè, và đậu nành được rang, xay và trộn lại thành, bạn dùng 1 muỗng cà phê vun bột này hòa chung với 11 ounces nước (=319ml) khuấy tan và nấu sôi 10p rồi uống” , nhưng tuyệt nhiên không thấy hướng dẫn cách làm ra bột kokkoh.
Cùng trong 1 quyển sách khác là Zen Cookery (trước đây được biết đến là The First Macrobiotic Cookbook) của tiên sinh Ohsawa, Cornellia Aihara, và những người bạn, chúng tôi cũng đã tìm thấy 3 công thức liên quan đến bột kokkoh để chế biến thành ngũ cốc ăn sáng, soup hay là nước uống, nhưng một lần nữa cũng không thấy đề cập đến cách làm ra bột kokkoh.
Cuối cùng, chúng tôi cũng đã tìm thấy được nó trong sách của Julia Ferre’s cookbook, Basic Macrobiotic Cooking, 20th Anniversary Edition (trang 246) được xuất bản bởi George Ohsawa Macrobiotics Foundation, cụ thể :
Kokkoh — rang riêng mỗi thứ và sau đó xay trộn chung lại thành bột:
1 cup gạo lứt (= 178gr)
1/2 cup nếp lứt (= 89gr)
1/2 cup yến mạch lứt (= 43gr)
1 Tbsp. mè (=15gr)
2 Tbsp. đậu đỏ (=30gr)
Tôi không biết lý do vì sao Julia lại không dùng đậu nành như trong công thức của tiên sinh Ohsawa đưa ra trong Zen Macrobiotics mà lại dùng đậu đỏ, nhưng tôi nghĩ rằng bạn dùng đậu nào cũng được tùy theo cơ thể của mỗi người mà điều chỉnh vì thực tế chúng ta cũng thấy rõ 1 điều rằng lượng đậu tổng cộng nằm trong công thức cũng chỉ chiếm khoảng chưa đến 10% so với hạt cốc khác. Có thể được xem như thành phần ăn “số 7 mở rộng”.
Đến đây thì tôi thở phào nhẹ nhõm vì mình đã tin rằng tiên sinh không có sai mà chỉ có những người như chúng ta chưa hiểu hết nên áp dụng sai mà thôi. Cảm ơn Julia.
Phạm Tú Anh