Làm Sao Ăn Số 7 Được Lâu Dài?
Đọc thêm: Tự Chữa Lành Bệnh Của Đặng Ngọc Viễn
Một số người hỏi tôi làm sao ăn Số 7 được lâu dài? Tôi thường trả lời thứ nhất phải hiểu hạt gạo lứt, thứ hai phải có mục đích cao thượng.
Vậy phải hiểu hạt gạo lứt như thế nào ?
Ăn gạo lứt là thuận với trật tự thiên nhiên, ăn đúng thức ăn của loài người. Trật tự thiên nhiên là mỗi loài có thức ăn riêng và loài này ăn xâm phạm thức ăn của loài khác là dẫn đến mất mạng. Loài bò ăn cỏ, loài cọp ăn thịt và loài người ăn hạt cốc, trong đó có gạo lứt. Bắt loài cọp ăn cỏ thì loài cọp sẽ chết sớm, tương tự bắt loài bò ăn thịt loài bò cũng chết sớm. Vậy loài người không ăn gạo lứt mà ăn các loại thức ăn khác thì loài người cũng bị mất mạng dần dần thông qua bệnh tật. Ai vi phạm trật tự nhẹ thì bệnh nhẹ, vi phạm nặng thì bệnh nặng, vi phạm nặng nữa sẽ mất mạng. Hiểu được điều này và sử dụng gạo lứt làm thức ăn chính thì bệnh tật sẽ hết, tại nạn sẽ tránh xa, sức khỏe ngày càng tăng cường và trí tuệ ngày càng sáng suốt.
Gạo lứt hợp với hệ tiêu hóa của chúng ta.
- Chúng ta có răng hàm để nhai và nghiền thức ăn nhờ xương hàm có thể mở lên xuống và đưa qua lại được.
Chúng ta không có răng nanh sắc nhọn như loài ăn thịt. Xương hàm của loài ăn thịt chỉ cử động lên xuống, không cử động qua lại được. Loài ăn thịt thường nuốt trọn thức ăn.
- Chúng ta có men amylas trong nước bọt có khả năng thủy phân tinh bột trong hạt gạo thành đường glucose. Đường glucose là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu và trực tiếp cho cơ thể.
Nồng độ axit chlohydric trong bao tử loài ăn thịt mạnh gấp 10 lần hơn loài người. Nồng độ axít cao như vậy mới tiêu hóa được thịt sống và xương.
- Ruột của loài người so với thân thể ngắn hơn ruột của loài ăn cỏ nhưng dài hơn ruột loài ăn thịt.
Ruột của loài ăn thịt dài khoảng gấp 3 lần chiều dài thân thể để thải nhanh chất độc tạo từ thịt ra ngoài, ngược lại ruột của loài ăn cỏ dài gấp 6 lần chiều dài thân thể để có đủ thời gian tiêu hóa thức ăn.
Thức ăn hợp với hệ tiêu hóa cũng là yếu tố hợp với trật tự thiên nhiên.
Gạo lứt có tính quân bình Âm Dương một cách tự nhiên. Các thức ăn khác không đạt đươc mức quân bình này, hoặc là thiên về Âm hoặc là thiên về Dương. Khi có sự tính toán của con người để thức ăn đạt được quân bình âm dương thì sự quân bình này không còn tự nhiên nữa. Để phân định Âm Dương trong thức ăn, tiên sinh G. Ohsawa (người sáng lập phương pháp thực dưỡng vào đầu Thế kỷ XX) dựa vào tỷ lệ Kali (K) trên Natri (Na) (K/Na) có trong thức ăn.
- Thức ăn có K/Na = 5 là thức ăn quân bình;
- K/Na > 5, là âm hơn; K/Na < 5, là dương hơn.
- Tỷ lệ K/Na trong gạo lứt là 4,5 nên gạo lứt được xem là quân bình âm dương.
Gạo lứt giúp cơ thể khỏe mạnh. Đông y đã khẳng định cơ thể khỏe mạnh là cơ thể quân bình âm dương và cơ thể bệnh tật là cơ thể mất quân bình âm dương. Gạo lứt là tốt nhất cho cơ thể, duy trì sự quân bình của cơ thể, không làm cơ thể mất quân bình, nghĩa là duy trì sự khỏe mạnh. Nếu cơ thể bị mất quân bình, tức là bị bệnh, gạo lứt có khả năng giúp cơ thể lập lại quân bình, tức là đẩy lùi bệnh tật. Điều này đúng theo lý luận của Đông y: chữa bệnh là lập lại quân bình âm dương cho cơ thể. Cho nên, dù chúng ta bị bệnh gì mà ăn gạo lứt một thời gian thì bệnh sẽ khỏi. Hai vị danh y của Việt Nam là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông cũng đã công nhận rằng gạo lứt là dược thảo quý nhất.
Gạo lứt không những giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp phát triển trí thông minh và trí tuệ. Gạo lứt và hạt cốc (lúa mì, lúa mạch, hạt kê, bo bo…) đã tạo ra những vị minh triết của nhân loại như Đức Phật, Đức Chúa, Đức Lão Tử… Chỉ có loài người mới được tạo hóa ban tặng đặc quyền sử dụng thức ăn quân bình tự nhiên là gạo lứt và hạt cốc. Những loài động vật khác đều ăn những thức ăn mất quân bình, chẳng hạn cá thịt thuộc loại Dương và rau củ thuộc loại Âm; nên động vật không có trí khôn như loài người. Muốn có thánh trí chúng ta phải ăn gạo lứt. Tuy nhiên, con người có nhiều cách tu tập để khai mở thánh trí nhưng không thể bỏ qua nền tảng cơ bản là ăn uống đúng.
Ăn gạo lứt là ăn đúng với thức ăn của người Việt như Quốc tổ Hùng Vương đã dạy trong sự tích “Bánh Chưng Bánh Dầy”. Bánh chưng bánh dầy làm từ gạo và nếp. Người xưa không sử dụng nhà máy xay gạo nên hạt gạo là hạt gạo lứt; chỉ gọi là gạo, không phân biệt gạo xát trắng hay gạo lứt. Từ khi có nhà máy xay gạo là lúc có sự phân biệt gạo lứt với gạo xát trắng. Trong sự tích, bánh chưng bánh dầy được chọn chứng tỏ rằng gạo và nếp là thượng phẩm, vượt trên những thực phẩm khác như sơn hào hải vị, nem công chả phụng… Lang Liêu, người dâng bánh chưng bánh dầy, được chọn truyền ngôi vua chứng tỏ Lang Liêu đủ đức đủ tài. Cái đức cái tài này được nuôi dưỡng bằng chính những hạt gạo làm ra loại bánh này, chứ không phải thực phẩm khác.
Ăn gạo lứt làm cơ thể không mất nhiều năng lượng để tiêu hóa nên những người ăn gạo lứt thấy dễ tiêu và bụng nhẹ nhàng. Các loại thức ăn khác rất khó tiêu và làm cơ thể mất nhiều năng lượng để tiêu hóa, để khử độc, để tống khứ ra ngoài; vì thế bụng lúc nào cũng nặng nề. Các thức ăn khác không những tạo gánh nặng cho mà còn làm rối loạn hệ tiêu hóa nữa. Các nhà khoa học hiện đại đã công nhận rằng ruột là não bộ thứ hai. Nếu để bụng trống trải, nhẹ nhàng thì đầu óc nhẹ nhàng, thư thái hơn và khả năng tư duy sáng suốt hơn. Còn nếu bụng bị nặng nề thì đầu óc cũng nặng nề theo và khả năng tư duy bị mơ mờ. Một số vị thiền sư nói rằng trí thông minh nằm ở bộ não trên đầu còn trí tuệ nằm ở phần rốn dưới bụng.
Ăn gạo lứt là không phung phí thức ăn vì cơ thể hấp thu gần như toàn bộ gạo lứt ăn vào. Các loại thức ăn khác cơ thể chỉ hấp thu một phần và phần còn lại thành phân thải ra ngoài. Chúng ta không nên tranh giành những thức ăn không phù hợp với những loài khác. Chúng ta không ăn phần đó thì loài khác được nhờ. Ăn gạo lứt là thực hiện kiệm phước. Theo nhà Phật, ba cái thường làm mất phước là cái ăn, cái mặc và cái ở. Ăn gạo lứt là không phung phí phước, không biến phước thành phân rồi thải bỏ.
Mục đích của việc ăn thực dưỡng của chúng tôi là gì?
Chúng ta ăn thực dưỡng với mong cầu cho thân thể của mình được khỏe mạnh, tâm của mình được an vui, trí của mình được sáng suốt. Đó là mong cầu chính đáng. Tuy nhiên, mong cầu này ít nhiều mang tính ích kỷ. Chúng ta ăn thực dưỡng với mong cầu người thân mình cũng ăn để được khỏe mạnh, để được vui sướng. Mong cầu này chính đáng nhưng còn mang dáng dấp của lợi ích gia tộc. Ăn thực dưỡng với mong cầu dân tộc mình cũng ăn để được cường tráng và xã hội bình yên. Mong cầu này chính đáng nhưng thể hiện “cái tôi” của mình còn lớn. Ăn thực dưỡng vì lợi ích của loài người vì lợi ích của muôn loài, thể hiện tâm mong cầu chân chính cao thượng.
Những mong cầu mang tính ích kỷ sẽ đẩy chúng ta đến chỗ tự mãn và kiêu ngạo khi đạt được chúng. Khi tôi bắt đầu ăn Số 7, sư phụ tôi bảo “coi chừng chết trên Số 7”. Sự nhắc thức của sư phụ làm tôi bừng tỉnh và càng ngày càng thấy sự nhắc thức đó luôn đúng và cần thiết. Ăn Số 7 chỉ là một phần trong cuộc sống, thực dưỡng cũng chỉ là một phần trong cuộc sống; chúng chỉ là phương tiện hiện thời của mình để đạt tới mục đích cao thượng. Ngày xưa, làm gì có Số 7, không ai đề cập đến thực dưỡng vậy mà vẫn có những vị minh triết ra đời. Thực dưỡng không phải là tất cả, không phải là số một.