Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao Dù Ở Tuổi 85
“Đã biết rõ thân này già chết
Còn tâm linh chẳng chết chẳng già.”
Đó là hai câu thơ thể hiện cái thấy biết vượt phàm tục của cô Phạm Thu Hà, sinh năm 1933, ở Quận 8, TPHCM. Ở tuổi 85, cô vẫn đọc sách báo bình thường mà không cần mang mắt kính và đọc làu làu nhiều bài thơ mà không cần sổ ghi chép. Cô có được sức khỏe và sáng suốt như vậy là nhờ ăn uống và sinh sống thuận với tự nhiên. Duyên may đã đưa cô đến gặp thực dưỡng cách nay 45 năm.
Vào năm 1972, sau một đêm ngủ dậy, cô bị liệt dây thần kinh số 7, làm liệt nửa mặt bên trái, kéo theo miệng méo, mắt sụp, đầu nhức không chịu được, tai cũng nhức kinh khủng và ngủ không được. Đến bệnh viện trị cả năm không thuyên giảm, cô thất vọng và buồn chán vô cùng đến nỗi đã nảy ra ý định quyên sinh. Cô từng nghĩ sống mà đau đớn như vầy và không làm gì được thì sống để làm gì. Sống không ích lợi gì, thôi thì nhắm mắt cho rồi, để khỏi thấy gì hết.
May mắn là trong năm 1973, cô đọc được quyển sách nói về thực dưỡng của người em chồng mang về. Đó là quyển “Zen Và Dưỡng Sinh” của tác giả Thái Khắc Lễ. Cô nghĩ chết mà còn không sợ thì sợ gì mà không ăn gạo lứt thử xem. Trước khi áp dụng, cô nhịn đói 3 ngày như trong sách hướng dẫn để tẩy bớt chất độc ra ngoài. Khi bắt đầu thực dưỡng, cô ăn vào số 7 (100% gạo lứt). Sau một tuần ăn số 7, chứng nhức đầu của cô bớt dần và hết hẳn sau một tháng. Cô mừng không kể xiết. Từ đó đến nay, cô ăn theo thực dưỡng luôn.
Đối với cô, cái “kham khổ” của việc ăn gạo lứt không thấm thía gì cả vì cô xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khổ. Ba của cô mất lúc cô mười tuổi. Cô học đến lớp 3 rồi nghỉ học để ở nhà phụ mẹ vì cô rất thương mẹ. Từ nhỏ cô đã có được tính tình tốt đẹp này. Cô thường đi đặt vó bắt tôm với mẹ. Ăn gạo lứt để có sức khỏe là điều đáng quí. Đối với cô, hạnh phúc không phải là tiền bạc và danh vọng. Gạo lứt hợp với sở thích đạm bạc của cô.
Mới đây cô ghé Thực Dưỡng Khai Minh để thưởng thức các món chay thực dưỡng và cô đã cảm tác hai bài thơ tặng cho Khai Minh:
Khai Minh
Khai Minh này quán dưỡng sinh.
Ai mà đến đó kết tình đồng giao.
Dưỡng sinh không sợ bệnh đau
Còn thêm sức khỏe gặp nhau là cười.
Khai Minh Bất Diệt
Thế giới bao la vật hữu hình.
Nhân sinh vũ trụ đã quân bình.
Có có không không vô vi ấy.
Khai Minh Đại Hội hưởng Thái bình.
Được hỏi thực dưỡng có ích gì cho việc tu thiền. Cô trả lời Phật dạy “Thiểu dục tri túc”. Thực dưỡng rất hợp với “thiểu dục”. Ăn thực dưỡng không ăn nhiều thứ. Người ăn nhiều thứ dễ bị bệnh. Nhờ thực dưỡng mà đi đúng đường với Phật dạy. Thực dưỡng rất hay nhưng không phải tuyệt đối. Ai tin tưởng mà cố gắng ăn sẽ có kết quả tốt. Con người thường có ba cái tham: tham ăn, tham mặc, tham làm ăn cướp. Ăn xài nhiều thì phải cần nhiều tiền vì thế phải đi ăn trộm ăn cướp.
Hiện giờ có nhiều người bệnh. Tại sao vậy? Cô trả lời nguyên nhân là do tham ăn, nói ra thì hơi thô nhưng đúng là vậy. Ai ai cũng tham ăn, từ người nghèo đến người giàu, từ dân thường đến quan chức. Ăn bậy thì chết bậy. Cái nào là quí báu trong đời sống? Hơi thở là quí nhất. Còn thở là còn sống, hết thở là chết. Con người hạnh phúc là sống trong từng hơi thở, bí quyết của hạnh phúc. Biết mình có bệnh thì tự trị. Mình tự cứu mình, mình không cứu mình thì trời cũng chịu thua.
Thực tế ăn cái gì ra cái đó. Nếu ăn bậy, ăn nhiều thì bệnh. Con rể của cô mua một trái sầu riêng về cả nhà ăn. Cô ăn một hột thì thấy ngon. Thấy cô khen ngon nên hôm sau mua trái lớn hơn và ép cô ăn nguyên một tép nên cô nhức đầu ngay. Đó là lạm dụng quá, ăn nhiều mất quân bình. Thức ăn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, có thể là độc tố hại chết người.
Hiện tại cô ăn một chén cơm lứt nhão vào buổi trưa, sáng ăn bột, chiều ăn cháo đều từ gạo lứt. Cô đều vui vẻ nhận lời đi giao lưu trong giới thực dưỡng ở TPHCM hoặc ở các tỉnh lân cận. Nơi nào có cô là nơi đó vui vẻ.
Đông y sỹ Đặng Ngọc Viễn