BÍ ẨN CON SỐ 7
Không những trong thực dưỡng, tiên sinh Ohsawa có sử dụng con số 7 mà còn trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta quá quen thuộc với con số 7 “cấu tạo” ra nhiều thứ: một tuần có 7 ngày, thế giới có 7 kỳ quan cổ đại và 7 kỳ quan hiện đại, thơ có thể loại thất (7) ngôn bát cú, con người có 7 luân xa, âm nhạc có 7 nốt, phân quang đồ có 7 màu (7 sắc cầu vồng) …
Trong sinh lý học: Trẻ con đến 7 tuổi phân ra giới tính rõ ràng, sự khác biệt sinh lý bắt đầu bộc lộ. Đến 14 tuổi (7 x 2) sinh lý thay đổi, kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện ở người nữ. Đến tuổi 21 (7 x 3), cơ thể nữ giới phát triển hoàn toàn để bắt đầu làm mẹ.
Con người có 7 trạng thái tinh thần (thất tình) khác nhau: mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn.
Trong Phật Giáo, Thái tử Tất Đạt Đa vừa được sinh ra đã bước đi 7 bước cùng 7 đóa sen nâng gót, tượng trưng cho vũ trụ (không gian và thời gian): Đông, Tây, Nam, Bắc, quá khứ, hiện tại và tương lai.
Theo Phật giáo, con người được cấu tạo bởi thất (7) đại: đất, nước, gió, lửa, không đại, kiến đại và thức đại.
Đức Chúa Trời mất 7 ngày để tạo ra thế giới. Eva được sinh ra từ xương sườn số 7 của Adam.
Chúng ta đã tồn tại và phát triển như thế nào? Không có một sinh vật nào có thể tồn tại nếu không ăn. Tuy nhiên, con người là sinh vật có hoạt đông thần kinh cấp cao, có lý trí phân biệt tốt xấu, đúng sai, và như thế nào là thuận thiên. Do đó, việc ăn của chúng ta cũng phải đúng, phải thuận với tự nhiên. Như vậy, muốn có một cuộc đời lành mạnh an vui, chúng ta phải “biết ăn”. Biết ăn có phải là biết lựa chọn thức ăn phù hợp với Trật tự của Vũ Trụ không? Xét tổng quát theo thuyết tiến hóa, những phân tử hữu cơ đầu tiên của sự sống phát triển thành hai dòng tiến hóa đối lập nhưng bổ túc nhau, đó là giới thực vật và giới động vật. Xem bảng xếp hạng thức ăn theo trật tự tiến hóa (hình 1). Ở tầng 7, hạt cốc phát triển tương ứng “cùng thời” với loài người, do đó hạt cốc phải là thức ăn chính của loài người và rau củ là thức ăn phụ.
Dựa vào Triết lý Âm Dương và nghiên cứu cách ăn uống của nhiều dân tộc trên thế giới, tiên sinh Ohsawa đưa ra mười cách ăn uống để được khỏe mạnh và hạnh phúc. Nhưng trong đó, số cao nhất là số 7, chứ không phải số 10. Tại sao cách ăn số 7 là cao nhất? Điều này đáng để chúng ta suy ngẫm. Cách ăn số 7 là ăn 100% hạt cốc, là cách khôn ngoan nhất, có tác dụng mạnh nhất và thường được áp dụng để tạo cơ sở cải thiện sức khỏe và tâm sinh lý. Hạt cốc gồm gạo, nếp, hạt kê, bo bo, bắp, lúa mì, lúa mạch,… Trong số đó, gạo lứt được Tổ chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đánh giá là bổ dưỡng nhất vì có đủ các axit amin cần thiết và các chất bổ khác.
Cách ăn số 7 trong những nguyên tắc ăn uống phù hợp với Trật Tự Vũ Trụ là “Lòng Biết ơn”. Theo Bác sĩ Hans Selye, người khởi xướng thuyết Stress, đã nói “Lòng biết ơn là yếu tố quan trọng chi phối mọi hành vi của con người”. Chúng ta phải tỏ lòng biết ơn đối với thức ăn, vì thức ăn đã “hy sinh” để chuyển hóa thành máu, thành thịt, thành con người biết suy tư và hoạt động. Có biết ơn thức ăn, chúng ta mới thận trọng trong ăn uống, không làm hao phí dù một hạt cơm và không vì cảm giác nhất thời mà biến thức ăn thành thuốc độc tự hại bản thân.
Từ việc biết ăn này mà con người dễ đạt đến Quân Bình Âm Dương và cũng dễ đạt được “cảnh giới số 7”, giai đoạn cao nhất của Trí Tuệ. Tiên sinh Ohsawa chia trí phán đoán ra 7 giai đoạn. Giai đoạn số 7 là giai đoạn trí tuệ tối thượng siêu việt, giác ngộ, tình yêu bao la, ung dung tự tại. Đó cũng là điều kiện số 7 trong 7 điều kiện sức khỏe của tiên sinh Ohsawa lập ra: thấu hiểu Trật tự Vũ Trụ, sống chân thật, hiểu lẽ công bình của Trời Đất. Giai đoạn số 7 là giai đoạn ngập tràn hạnh phúc và chỉ muốn chia sẻ hạnh phúc cho mọi người, muốn đưa mọi người thoát khỏi biển khổ đời mê, muốn mọi người có được chân hạnh phúc.
Ngược lại, nếu không “biết ăn”, con người dễ rơi vào bệnh giai đoạn số 7 (bệnh tâm linh) trong 7 giai đoạn phát triển bệnh mà tiên sinh Ohsawa đưa ra. Bệnh tâm linh sinh ra do ăn uống và sinh hoạt không đúng trong nhiều năm liên tục. Bệnh số 7 thường xảy ra đối người có thể chất tốt đến nỗi có thể vượt qua 6 giai đoạn trước. Họ không biết mình đang mắc bệnh vì tính kiêu ngạo và tính cố chấp của họ. Đây là giai đoạn bệnh trầm trọng nhất, giai đoạn cuối cùng, đồng thời là nguyên nhân của các bệnh khác, của đau khổ và bất hạnh. Tiên sinh nói bệnh nào cũng có thể chữa được trừ bệnh kiêu ngạo.
Trong quyển “Y Triết Phương Đông” tiên sinh viết rằng y học có 7 cấp độ chữa bệnh. Cấp số 7 là y học tối thượng, là pháp điều trị mang tính giáo dục, sinh vật, sinh lý và biện chứng có mục đích giúp người bệnh tự khám phá cơ cấu của sự sống và cõi đời. Cấp số 7 không chỉ chữa lành hoàn toàn tất cả bệnh hiện tại và tương lai, mà còn chuyển hóa được mọi điều bất hạnh.
Tiên sinh đã đúc kết thành 7 nguyên lý của trật tự vũ trụ.
- Có khởi đầu thì có kết thúc.
- Có bề mặt thì có bề lưng.
- Không có hai vật hoàn toàn giống nhau.
- Bề mặt càng lớn thì bề lưng càng rộng.
- Mọi đối lập đều thống nhất.
- Mọi đối lập đều phân thành Âm và Dương và bổ túc cho nhau.
- Âm Dương là hai cánh tay của vô cực, nhất thể.
Tại sao không phải con số khác mà phải là con số 7? Phải chăng số 7 có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển của thế giới này?
Hãy đi ngược vài nghìn năm về trước để chiêm nghiệm lại những kinh nghiệm của người xưa được ẩn tàng trong trật tự thể của vũ trụ.
Phạm Tú Anh